Sơn Động được nhắc đến nhiều với cao nguyên Đồng Cao nguyên sơ, khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ, khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử… Không chỉ vậy, với đặc thù là huyện miền núi có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, Sơn Động còn là nơi chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như những làn điệu hát Then, đàn tính tẩu của dân tộc Tày; ngày hội hát Soong hao của dân tộc Nùng; lễ cấp sắc và trang phục dân tộc độc đáo của đồng bào dân tộc Dao… Trong đó, không thể không nhắc đến bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây.
Toàn huyện có trên 70.000 nhân khẩu thì dân tộc Cao Lan có trên 5.000 người, là nhóm dân tộc đứng thứ tư sau nhóm dân tộc Kinh, Tày và Nùng. Dân tộc Cao Lan sống tập trung chủ yếu ở 5 xã: Cầm Đàn, Bồng Am, Yên Định, An Bá và An Châu. Đồng bào dân tộc Cao Lan có tính đoàn kết cộng đồng rất cao trong lao động sản xuất và sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng. Những nét đẹp bản sắc của người Cao Lan cần phải kể đến là trang phục truyền thống - những chiếc áo nối! Áo nối là những chiếc áo thân dài, có 2 màu chủ đạo là màu nâu và màu chàm. Chiếc áo nhìn đơn giản nhưng được cắt nối và thêu hoa văn khá cầu kỳ. Thoạt nhìn dáng áo có vẻ giống với áo dài của dân tộc Kinh, nhưng áo nối không có khuy cài, hai vạt áo được vặt chéo nhau và dùng những dây đai áo nhiều màu sặc sỡ thắt ôm lấy eo và buông dài phía trước. Vạt áo ngang đền bắp chân người mặc, bên trong có may thêm vạt nhỏ. Phần lưng áo, cổ và tay áo thường được thêu chỉ màu những hoa văn đẹp mắt làm điểm nhấn trên nền chàm nâu của áo. Áo nối của phụ nữ Cao Lan được mặc với chiếc váy đen được may khá đơn giản, hơi xoè ở phần dưới. Khi mặc kèm theo xà cạp quấn phần bắp chân. Trước kia, từ phụ nữ đến người già thường mặc trang phục truyền thống màu sắc đơn giản hàng ngày, những bộ trang phục được dệt thêu cầu kỳ thường mặc trong dịp đám cưới, lễ tết, ngày hội.
Trang phục dân tộc Cao Lan bên nhà sàn cộng đồng
Nếu như người Tày có điệu hát Then, người Nùng có điệu hát Soong hao thì điệu hát Sình ca giao duyên là sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu của người Cao Lan trong những ngày hội, ngày tết, đám cưới hỏi, rước dâu…Trước đây từ người già đến nam thanh nữ tú đều biết “ới”, biết “sịnh”. Những câu hát giao duyên mang lại không khí vui tươi, mang lại màu sắc rực rỡ cho các ngày hội lễ. Có một điều đặc biệt là những câu hát Sình ca đối đáp như là một phần nghi thức bắt buộc trong nghi lễ rước dâu của họ nhà trai khi sang bên nhà gái. Khi chú rể và họ nhà trai đến nhà gái rước dâu sẽ bị một nhóm nam nữ bên nhà gái giăng dải lụa hồng chặn ở cổng. Những câu hát đối được cất lên, nếu bên nhà trai hát đối ưng ý thì họ nhà gái tháo dải lụa hồng mở lối cho nhà trai vào rước dâu.
Người Cao Lan cũng có phong tục nhận “bố mối” đỡ đầu cho con trai dựa trên những mối quan hệ đặc biệt. Trong ngày cưới của con trai, ông bố mối chuẩn bị cả quà cưới, sính lễ làm quà cho con. Việc lớn, việc nhỏ khi người con trai trưởng thành đều xin ý kiến của “bố mối” rồi mới quyết định.
Cụ Trần Thị Đạo (xã An Bá) là người đã từng giăng lối lụa hồng hát đối đáp Sình ca
Là cộng đồng dân tộc sống ở vùng núi, nơi có nhiều những cây thuốc quý từ rừng, đồng bào Cao Lan nơi đây còn có nhiều bài thuốc dân gian rất tốt cho người bị bệnh đau lưng, đau khớp, đau dạ dày, những bài thuốc cho phụ nữ mới sinh con…Hầu như người già trong làng nào cũng biết đến một vài vị thuốc đơn giản, có một vài dòng họ có những bí quyết thuốc quý được truyền qua nhiều thế hệ. Người dân tộc Cao Lan sống gần rừng, quý rừng và gắn bó với rừng bởi rừng là nơi có hàng trăm cây thuốc quý, rừng bao bọc cả cộng đồng làng bản của đồng bào nơi đây.
Phơi cây thuốc tại sân nhà
Đồng bào dân tộc Cao Lan không chỉ có tính cấu kết trong nội bộ rất cao mà còn thể hiện tình đoàn kết với các dân tộc anh em khác. Từ việc sống đan xen, thường xuyên trao đổi hàng hoá, sinh hoạt văn hoá, lao động sản xuất cho đến việc hôn nhân, mai mối giữa các dân tộc với nhau, việc giao thoa văn hoá giữa các dân tộc ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn dựa trên tinh thần cởi mở, thân thiện: các cụ già cùng ăn trầu, nói chuyện; các tổ chức đoàn thể cùng sinh hoạt, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể thao…Dù vậy, phần nào bản sắc truyền thống dân tộc đã bị vơi bớt đi rất nhiều.
Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, của hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động một cách toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dự báo được những thách thức và nguy cơ mai một văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có những đường lối, chính sách cụ thể trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (năm 1998). UBND tỉnh Bắc Giang cũng xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang” theo các giai đoạn. Đối với huyện Sơn Động, Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện đã ban hành Nghị quyết về chương trình phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch theo các giai đoạn.
Tuy nhiên, để áp dụng thực hiện phù hợp, hiệu quả đối với từng dân tộc thì chưa có văn bản, chương trình, dự án cụ thể và chưa có sự đầu tư tương xứng. Trên địa bàn huyện đến nay đã tổ chức ngày hội hát then ở Vân Sơn, ngày hội hát Soong hao ở Quế Sơn, mở lớp dạy thêu của đồng bào Dao ở Tuấn Mậu... Một số địa phương khác cũng có những ý tưởng và kế hoạch thực hiện việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với dân tộc Cao Lan, Hội đồng nhân dân xã An Bá - địa phương có trên 40% là người dân tộc Cao Lan đã ra Nghị quyết phê duyệt thực hiện Đề án “Xây dựng nhà trưng bày truyền thống kết hợp thành lập Câu lạc bộ Sình ca Cao Lan ở thôn Lái, xã An Bá”. Câu lạc bộ được thành lập và duy trì hoạt động nhưng chưa phát huy được hiệu quả trong việc truyền dạy Sình ca giữa Chi hội Người cao tuổi và Chi hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên. Việc xây dựng nhà sàn trưng bày truyền thống với 2 tầng trưng bày về công cụ lao động sản xuất, trang phục, tài liệu liên quan đến phong tục ma chay, cưới hỏi, những bài thuốc dân gian... để là nơi sinh hoạt CLB và tổ chức các giờ học ngoại khoá cho học sinh tìm hiểu về bản sắc văn hoá dân tộc còn chưa được thực hiện do thiếu nguồn kinh phí.
Dạy cho con cháu biết “ới”, biệt “sịnh” thế nào cho đúng, cho hay; dạy con cháu biết mặc trang phục mình thế nào cho đẹp, cho duyên; dạy con cháu mình biết từng thang thuốc quý, biết giữ thuốc, giữ rừng; dạy cho con cháu mình biết trân trọng giá trị văn hoá truyền thống, phát huy được những bản sắc tốt đẹp và tinh thần đoàn kết dân tộc là những mong ước tha thiết từ bấy lâu nay của các cụ già đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây. Hy vọng, Sơn Động không chỉ là mảnh đất hứa hẹn tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh mà còn kết hợp phát triển được cả du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng để trên con đường giảm nghèo nhanh, bền vững vẫn sẽ xây dựng được huyện miền núi phát triển và đậm đà bản sắc văn hoá.