Quân và dân Bắc Giang “chia lửa” cùng chiến dịch Hòa Bình (12/1951-2/1952)
Ngày đăng:25-07-2017
Âm mưu của Pháp và chủ trương của ta trong chiến dịch Hòa Bình
Để giành lại quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ, mùa đông năm 1951quân Pháp mở cuộc tiến công ra Hòa Bình, lập phòng tuyến sông Đà nối liền với tuyến phòng thủ trung tâm nhằm nối lại “Hành lang Đông –Tây” thực hiện khả năng phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt đường liên lạc giữa chiến khu Việt Bắc với Liên khu 3 và 4. Ở Hòa Bình, Pháp cho thành lập các “xứ Mường tự trị” để thực hiện “Da vàng hóa chiến tranh” nhằm dùng các lợi ích về kinh tế chính trị để thuyết phục người dân tộc thiểu số đi lính cho Pháp.Cuối năm 1951, địch tập trung lực lượng tấn công lên Hoà Bình nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ.
Ngày 24 tháng 11 năm 1951, Ban chấp hành Trung ương Đảng ta ra chỉ thị “Nhiệm vụ phá tan cuộc tiến công Hòa Bình của quân đội Pháp”. Nắm bắt cơ hội, quân đội ta mở chiến dịch Hòa Bình mục đích nhằm tiêu diệt sinh lực địch ở chiến trường Hòa Bình, phá kế hoạch bình định của quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích của ta. Trung ương Đảng đã chỉ rõ: việc nống ra Hoà Bình của chúng là cơ hội tốt để quân dân tỉnh Hoà Bình tiêu diệt địch và chỉ thị cho các địa phương tập trung đánh địch góp phần vào chiến công chung.
Quân và dân Bắc Giang ra sức tiêu diệt địch, ngăn chặn sự tập trung lực lượng của Pháp lên Hòa Bình
Chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động vũ trang để tiêu diệt địch.
Tại phân khu Lục Ngạn địch rút dần các đơn vị cơ động ở các vị trí lớn như Am Vun, Núi Rụt, Dốc Cọc, Đồi Ngô để bổ sung cho chiến trường chính. Để phối hợp với chiến trường, cuối tháng 11-1951, sau một thời gian củng cố, Tiểu đoàn 61 được điều động vào khu du kích Yên Dũng và Nam Lạng Giang phối hợp với bộ đội địa phương và du kích đánh địch.
Ngày 6-12-1951 quân Pháp cho 200 quân cùng với xe cơ giới, xe lội nước, xe tăng từ Thái Đào xuống Đông Loan để bảo vệ đoàn ca nô từ Phả Lại lên Phủ Lạng Thương. Đại đội 531 - bộ đội địa phương Yên Dũng được lệnh phối hợp với Tiểu đoàn 61, đã bí mật bố trí một lực lượng ở Quỳnh Sơn và Núi Voi; một lực lượng ở Đại Khánh, Thượng Đình, Đông Loan và 2 đại đội ở Hang Chàm để đánh địch. Chiều hôm đó, chờ cho đoàn ca nô quay về lọt vào trận địa phục kích quân ta mới chặn đánh. Quân địch bị bất ngờ chống cự yếu ớt rồi rút chạy, bỏ lại 45 xác chết, trong đó gần một nửa là lính Âu Phi. Chiến thắng vang dội này đã làm nức lòng nhân dân vùng địch hậu, làm cho mọi người càng thêm tin tưởng vào kháng chiến. Một không khí thi đua giết giặc lập công sôi nổi ở khắp nơi.
Lực lượng dân công vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952.
Trong tháng 12-1951, ngoài những trận đánh vào các làng tề Thái Đào (12-12), Hoàng Mai (20-12), lực lượng vũ trang trong tỉnh còn tổ chức đánh địch đi tuần tiễu, dò mìn ở Phấn -Trì (21-12), Dĩnh Kế (27-12), Đìa Đông (31-12) diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí.
Sau những trận đánh kể trên, ngày 18-1-1952 quân Pháp đã tràn vào đốt phá Phú Mỹ và Vĩnh Ninh, dồn dân đi nơi khác để ta không còn chỗ dựa nhưng vẫn không làm giảm được nhịp độ hoạt động của du kích phá đường, cài mìn, cắt dây điện thoại. Các đoàn xe của địch từ Phả Lại qua Đồi Ngô, Thái Đào để về Phủ Lạng Thương - Hà Nội vẫn phải sử dụng từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội đi dò mìn từ Thái Đào lên Kế rồi về Phủ Lạng Thương.
Đối với đường thuỷ, địch cũng luôn luôn bị chặn đánh, do đó ngày 25-1-1952 chúng cho quân ở Chợ Xa - Cẩm Lý càn quét vào Đức La và Trí Yên để bảo vệ cho 9 ca nô và 1 tầu chiến từ Phả Lại lên, nhưng vẫn bị bộ đội và du kích chặn đánh. Suốt trong 2 tiếng đồng hồ, địch 5 lần xông vào làng đều bị đánh bật, phải rút lui sau khi bị tiêu diệt 35 tên, mất nhiều vũ khí. Để trả thù, chiều hôm đó chúng nã 70 quả đạn đại bác vào 2 thôn này.
Ngày hôm sau, từ 5 giờ sáng địch đã cho 9 ca nô chở hơn 600 quân từ Phả Lại lên Trí Yên hàng trả thù cho trận thất bại hôm trước. Bộ đội địa phương và du kích phục kích bắn chết một số tên rồi rút lui an toàn.
Ngày 29-1-1951, Tiểu đoàn 61 phối hợp với bộ đội chủ lực, Công an tỉnh, đại đội 53 Lạng Giang và du kích Dĩnh Kế bố trí 3 trận liên hoàn chờ đánh địch. Mở đầu cuộc tấn công, quân ta tấn công tiểu đội dò mìn từ Kế về Thái Đào, diệt một số tên trong toán này và toán canh gác ở xóm Nguột, khiến địch phải đưa 2 trung đội và một số xe đến ứng cứu, chúng lại bị tiêu diệt thêm hàng chục tên. Đến 9 giờ sáng địch phải cho máy bay oanh tạc Cầu Cốc, cho lính đi thu dọn tử thi. Trưa hôm đó, địch lại bị tiêu diệt 1 tiểu đội và đến 4 giờ chiều trận đánh mới kết thúc. Trận này địch bị diệt 105 tên, trong đó có 2 quan 1, 1 quan 2, 1 quan 3 và bị thương, bị bắt sống nhiều tên. Ta thu 5 đại liên, 6 tiểu liên, phá huỷ 6 xe tăng và xe bọc thép, đốt cháy một nhà lính ở Mỹ Độ và Phủ Lạng Thương. Những thành công và kết quả kể trên đã khẳng định sự trưởng thành mới của bộ đội chủ lực Bắc Giang, bộ đội địa phương Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên và du kích các xã trong vùng tạm chiếm.
Trước những hoạt động mạnh của ta, đầu tháng 2-1952, địch phải rút bớt quân số tại các vị trí lẻ để tăng cường cho Mỹ Độ, Cátxít, Con Lợn và càn quét ra các vùng xung quanh. Ngày 7-2-1952 quân Pháp kéo từ Mỹ Độ có sự phối hợp của lính ở Núi Thờ đã bao vây cả 4 mặt các xóm Vĩnh An, Nhân Lễ, Hà Muống ở Song Mai. Vì lực lượng quá chênh lệch nên cán bộ, du kích phải rút xuống hầm, bình tĩnh thủ tiêu tài liệu, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.
Sau khi giành thắng lợi trên đường 13B, ngày 10-2-1952 Tiểu đoàn 88 tiếp tục phối hợp với du kích xã Hồng Thái (Việt Yên) đánh phục kích trên đường số 1A, diệt 2 trung đội địch. Ngoài trận đánh trên, bộ đội địa phương Việt Yên cùng du kích các xã ven quốc lộ chôn mìn làm đổ 4 ô tô của địch, cắt hàng trăm mét dây điện thoại. Du kích các xã Việt Tiến, Lan Đình đánh địch càn quét cướp phá, bảo vệ cho dân cày cấy. Ở các xã Quảng Minh, Bích Sơn, Hồng Phong, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh không nộp thuế cho địch, đưa thanh niên ra vùng tự do hoặc đi dân công phục vụ chiến dịch.
Tại phía nam Lục Ngạn, ngoài các hoạt động càn quét, cướp bóc, dịch còn coi trọng hoạt động gián điệp, biệt kích chống phá vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm. Khi Vanđe được cử về phụ trách phòng nhì ở phân khu Lục Nam đã chú ý sử dụng bọn biệt kích và đảng phái phản động như Thanh niên đoàn, Hoa kiều lý sự hội. Tổ chức Thanh niên đoàn đặt tại phố Lục Nam, có 30 thành viên được võ trang đầy đủ, được phép bắt giam tất cả những người tình nghi trong khu vực, đem lực lượng đi lùng sục... để bảo vệ các đồn bốt cho địch. Vanđe còn trực tiếp chỉ huy bộ máy do thám gồm phòng quan 2, phòng người Kinh và phòng người Thổ. Tại Đồi Ngô địch còn có 2 đại đội Commăngđô- mỗi đại đội có 2 trung đội chuyên hoạt động biệt kích, chia thành từng tổ từ 3-5 tên.
Trước những hoạt động của địch ở Yên Sơn, Bảo Sơn, Bảo Đài, ngày 5-2-1952 bộ đội địa phương Lục Ngạn đã phối hợp với du kích chặn đánh cánh quân địch từ Đồi Ngô đi Từ Xuyên phá 1 xe tăng, 1 cối 37mm, 1 camiôn, diệt 9 tên Pháp. Cuối tháng 2-1952, một trung đội biệt kích từ Cầu Lồ xuống Lan Mẫu dò xét tình hình, ngăn cản đường vận chuyển của ta qua đường 13B đã bị bộ đội và du kích địa phương tiêu diệt một số tên. Du kích các xã Bảo Sơn, Chu Điện bắt liên lạc và gây cơ sở ở một số thôn có phong trào yếu. Du kích Bảo Sơn võ trang tuyên truyền vào Yên Thiện đưa được nhiều gia đình ra vùng tự do.
Kết quả:
Thắng lợi quan trọng nhất là sau hơn một tháng hoạt động phối hợp với Chiến dịch Hoà Bình, ngụy quyền cơ sở của địch ở Bắc Giang bị vỡ hàng mảng. Khu du kích và căn cứ du kích Yên Dũng, nam Lạng Giang và nam Việt Yên được thành lập tạo thành một khu vực trong 10 xã gồm 88 thôn trải trên một chiều dài 20km từ Trúc Tay tới Bằng Lương, chiều rộng 15km từ đê Cổ Mân tới đê sông Cầu, nối liền với khu du kích Tiên - Quế - Võ (Bắc Ninh). Trình độ kỹ thuật và chiến thuật của du kích các xã đã tiến bộ rõ rệt. Công tác phòng gian bảo mật được hết sức chú trọng. Trung đoàn 98 trú quân ở Yên Dũng trước khi sang Tiên - Quế - Võ được giữ bí mật tuyệt đối. Qua 3 tháng liên tục chiến đấu, quân dân Bắc Giang cùng với bộ đội chủ lực đã chiến đấu tiêu diệt 535 tên địch, làm bị thương 141 tên, bắt 113 tên, buộc 175 tên giải ngũ, phá vỡ hàng chục làng tề phản động, góp một phần quan trọng với Chiến dịch Hoà Bình.