Lão du kích, liệt sĩ: Đào Văn Chi - người con tiêu biểu của quê hương anh hùng
Ngày đăng:13-07-2017
Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày “Thương binh liệt sỹ”, lần giở từng trang sử vang của quê hương, biết bao nhiêu người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc, quê hương. Ôn lại lịch sử cũng là để khắc ghi công ơn của những liệt sỹ, thương binh. Đất nước và quê hương Bắc Giang đã hòa bình, đang ra sức công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh.
Trong không khí thái bình ngày hôm nay, mỗi chúng ta không khỏi bùi ngùi, xúc động, biết ơn về những gương hi sinh vì Tổ quốc bởi vì hi sinh vì Tổ quốc là một trong những sự thử thách lớn của những người yêu nước khi đất nước bị xâm lược.
Lão du kích Đào Văn Chi sinh năm 1900 tại thôn Song Khê, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, vốn là quê hương giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Sinh ra trong gia đình nghèo, cùng với bao thanh niên khác của quê hương, Đào Văn Chi đã sớm giác ngộ cách mạng. Tháng 8 năm 1945, Đào Văn Chi đã cùng lực lượng tự vệ do các đồng chí Ninh Văn Phan và Hồ Công Dự lãnh đạo, tham gia đột nhập vào thị xã Phủ Lạng Thương cướp chính quyền từ tay địch ngày 18 tháng 8 năm 1945.
Trung đội du kích xã Chí Minh năm 1948 được phái đoàn Chính phủ về thăm
Năm 1947, ở tuổi đã xế chiều, cùng với nhiều lão du kích khác, Đào Văn Chi đã ra nhập Đội lão du kích của quê hương. Vốn là một trong những địa phương có Đội lão du kích hoạt động mạnh, ông Đào Văn Chi đã cùng với đội Lão du kích đi nhiều nơi ở Yên Dũng, Lạng Giang để tuyên truyền gây dựng phong trào Lão du kích. Nhờ những hoạt động tích cực Đội du kích ở xã Chí Minh (trong đó có xã Song Khê ngày nay) năm 1948 được phái đoàn của Chính phủ gồm các đồng chí Văn Tiến Dũng, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận về thăm động viên và tặng trung đội 5 quả lựu đạn.
Một đoạn chiến lũy của làng chiến đấu Song Khê giai đoạn 1947- 1954
Trong trận chiến đấu ngày 17 tháng 8 năm 1949, Tiểu đội du kích trong đó có ông Đào Văn Chi được phân công chiến đấu ở bờ lũy phía Đông Bắc, trực diện đối mặt với kẻ địch. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt từ 7 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Địch tràn được vào làng, đơn vị rút xuống hầm bí mật. Khi hầm bí mật bị lộ, nhằm đánh lừa địch tưởng trong hầm chỉ có 2 người và thu hút lực lượng của chúng đuổi theo để 12 đồng chí du kích khác chạy thoát, Đào Văn Chi đã cùng Chính trị viên xã đội là đồng chí Lý Đình Quyết tung lựu đạn vượt lên. Bọn địch hoản hốt chạy dạt ra, lựu đạn không nổ. Đào Văn Chi đã chạy nhằm đánh lạc hướng để tạo cho đồng chí Lý Đình Quyết chạy thoát. Bắt được ông Chi, địch tra tấn dã man nhằm bắt ông khai những du kích và vũ khí ở hầm. Ông không chịu nói nửa lời. Chúng dùng dây thép trói chân tay, đốt lửa cháy hết cả quần áo, đầu tóc, da thịt rồi lại tiếp tục tra hỏi. Ông Chi vẫn nhất quyết im lặng. Địch điên cuồng, tức tối quẳng ông vào đống lửa thiêu sống. Trong trận này, con trai ông là Đào Văn Đĩnh cũng bị địch bắt cùng 12 đồng chí du kích và 2 cán bộ khác ở dưới hầm sau đó địch đã dùng dây thép xâu lại tra tấn đến chết và quăng xuống sông. Hai cha con, hai thế hệ đều là đồng đội hi sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.
Gần 70 năm đã qua, đất nước nay đã hòa bình, chúng ta thắp nén tâm hương tưởng nhớ những người con ưu tú, kiên cường, dũng cảm của quê hương đã tô thắm trang sử vàng về truyền thống yêu nước.