Đồng chí Chu Đình Xương: Gương sáng đảng viên ưu tú, kiên cường
Ngày đăng:10-07-2017
Đồng chí Chu Đình Xương còn có tên khác là Chu Đình Khôi, quê ở xã Hương Gián, huyện Yên Dũng. Xuất thân trong gia đình có truyền thống yêu nước, thân sinh là nhà nho yêu nước Chu Chính Đích, tự là Quế Hương, từng tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, là đồng chí của nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu và những người yêu nước chống thực dân Pháp ở thị xã Phủ Lạng Thương.
Đồng chí Chu Đình Xương(1913- 1985)
Nhà yêu nước Chu Chính Đích đã giáo dục các người con của mình về truyền thống yêu nước, chính cụ cũng là người hăng hái tham gia phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX với hoạt động làm nghề thầy thuốc ở thị xã Phủ Lạng Thương để liên lạc cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Truyền nhiệt huyết yêu nước cho những người con của mình. Kết quả, trong 5 người con trai thì có 4 người thoát ly hoạt động cách mạng và bị cầm tù năm 1940, trong đó có 3 người bị tù ở Sơn La. Chu Đình Xương là anh cả trong gia đình cũng là người sớm hoạt động theo cách mạng từ năm 1936 theo phong trào Mặt trận bình dân do Đảng lãnh đạo. Bắt đầu từ chính quê hương của mình, đồng chí đã vận động, tuyên truyền từ trong gia đình mình với các anh em, họ hang và làng xóm. Qua đó, quần chúng ở Hương Gián đã tin tưởng cách mạng, hiểu sâu sắc về nguồn gốc áp bức, bóc lột và con đường đấu tranh với chính quyền phong kiến, thực dân.
Từ sau khi được giác ngộ cách mạng, giai đoạn 1936 - 1939, đồng chí Chu Đình Xương gây cơ sở nhiều nơi ở Hương Gián, Dĩnh Kế, Đại Từ, Cương Sơn… Những cơ sở này sau đó trở thành những trung tâm cách mạng ở các phủ, huyện tạo thành thế liên hoàn cách mạng, đón nhiều đồng chí cán bộ cấp trên về hoạt động.
Tháng 6 năm 1939, đồng chí Chu Đình Xương chuyển đi hoạt động thoát ly, tham gia tổ chức "Thanh niên phản đế". Đồng chí đã treo cờ đỏ búa liềm ở ngã tư thị xã Phủ Lạng Thương, ở Tòa Xứ thị xã Phủ Lạng Thương. Năm 1940, đồng chí Chu Đình Xương được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Những hoạt động tích cực của đồng chí đã bị mật thám theo dõi. Tháng 12 năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt cùng với đồng chí Ngô Tuấn Tùng khi đang hoạt động ở thị xã Phủ Lạng Thương, sau đó địch giam đồng chí qua các nhà tù Bắc Giang, Hà Nội, Sơn La. Tháng 3 năm 1945, đồng chí Chu Đình Xương cùng một số tù chính trị trốn khỏi nhà tù Sơn La trong trận vượt ngục do tù nhân nhà tù tổ chức thành công về Hà Nội và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Khí thế Cách mạng tháng Tám dâng lên trước sức mạnh của quần chúng. Cách mạng tháng Tám đã thành công ở nhiều nơi. Mít tinh trong ngày Quốc khánh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chuẩn bị chu đáo. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện công khai trước quốc dân đồng bào. Khi đó tuy chính quyền đã về tay nhân dân nhưng tại Hà Nội, quân Nhật vẫn còn đóng với đầy đủ vũ khí, các đảng phái phản động vẫn còn. Việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ Độc lập được đặt lên hàng đầu. Trọng trách đặc biệt này được giao cho đồng chí Chu Đình Xương (Trước đó, Ủy ban nhân dân Bắc bộ cử đồng chí Chu Đình Xương làm Giám đốc Sở Liêm phóng ở tuổi 32). Giỏi tiếng Pháp và giỏi võ và từng trải qua gian khổ trong hoạt động cách mang và hoạt động ở nhà tù, dường như không ai thích hợp hơn đồng chí Chu Đình Xương ở vị trí bảo vệ an toàn cho vị lãnh tụ và lễ Quốc khánh.
Trong ngày Quốc khánh 2 tháng 9, đồng chí Chu Đình Xương vinh dự là người cầm ô
khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập
Không chỉ được giao bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời tham gia buổi Lễ tuyên ngôn độc lập, đồng chí Chu Đình Xương còn được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hàng vạn quần chúng tham dự tại lễ Độc lập. Ngay khi nhận nhiệm vụ, trong vai trò cao nhất bảo đảm an ninh của buổi lễ, đồng chí Chu Đình Xương đã trực tiếp tới tận hiện trường để bố trí các vòng bảo vệ lễ đài. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng cử làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ và sau đó là Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ. Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1946, đồng chí được cử làm Thanh tra Sở Công an Trung Bộ. Từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 2 năm 1950, đồng chí là Giám đốc Công an Liên khu V, kiêm ủy viên Tòa án quân sự Liên khu V. Từ tháng 3 năm 1950 đến tháng 7 năm 1954, đồng chí là Trưởng phòng 4 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Và từ năm 1955 do nhu cầu công tác đồng chí chuyển sang làm việc tại Bộ Văn hóa.