Nguyễn Khắc Nhu - nhà hoạt động yêu nước của quê hương Bắc Giang
Ngày đăng:05-07-2017
Tiểu sử và hoạt động
Ông sinh năm 1882 mất năm 1930, tại làngSong Khê, huyện Yên Dũng,nay là xã Song Khê thuộc thành phố Bắc Giang. “Sinh trưởng trong một gia đình Nho học.Mồ côi cha năm 12 tuổi, phải đi ở cho một cụ tú rồi cho nhà sư chùa làng. Năm 14 tuổi theo một phường chèo đi hát lưu động trên khắp 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh. Sau hai năm mới trở về làng, đi ở cho chùa làng rồi chùa Lạc Gián. Sau đó đi học cụ cử Đưởng tại làng Nội Duệ” (1). Năm 1912 ông đi thi Hương đứng đầu cả xứBắc Kỳnên đương thời gọi làĐầu Xứ Nhu, gọi tắt làXứ Nhu.
Trên địa hạt Bắc Giang xuất hiện những lực lượng ban đầu của giai cấp công nhân, nhưng lực lượng ấy chưa đủ sức thu hút toàn bộ tầng lớp tiểu tư sản. Có lẽ, tầng lớp tiểu tư sản ở Bắc Giang, từ lòng ngưỡng mộ các chí sĩ cũ, dù tư tưởng của họ đã lỗi thời so với yêu cầu của sự nghiệp cứu nước nên nhiều hoạt động của họ vẫn mang màu sắc, khuynh hướng chính trị tư sản mà tiêu biểu là Quốc dân dục tài và Việt Nam dân quốc của Nguyễn Khắc Nhu, sau đó là Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Tuấn Tài đứng đầu (2).
Nguyễn Khắc Nhu từng tiếp cận với xu hướng vũ trang kiên trì và bất khuất của Hoàng Hoa Thám; là học trò của cử nhân Nguyễn Văn Đảng - một yếu nhân của phong trò Đông Kinh Nghĩa Thục, ông đã tiếp cận với các yếu nhân trong phòng trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục; giao thiệp bằng thư từ với Phan Bội Châu. Dưới con mắt người đương thời và trong thực tế Nguyễn Khắc Nhu tiêu biểu cho những sĩ phu yêu nước, có khuynh hướng dân chủ tư sản ở vùng Kinh Bắc. Về mặt không gian địa lý có thể coi ông là dấu nối giữa ba phong trào cách mạng, từ các nhà văn thân, cần vương đến các nhà duy tân, cải cách có xu hướng tư tưởng dân chủ đến các chiến sĩ cách mạng vô sản của vùng Kinh Bắc.
Năm 1903, ông từng dẫn đường choPhan Bội Châulên đồn Phồn Xương gặpĐề Thám. Sau nhiều lần thi Hội không đậu, ông về quê dạy học, năm 1907 ông làm trưởng đoàn đưa 17 thanh niên xuất ngoại tham giaphong trào Đông Du nhưng không bắt được liên lạc với phái viên Phan Bội Châu ở Trung Quốc. Trở về nước xin đi làm tổng sư tại làng Thịnh Liệt rồi làng Lạc Gián cho đến 1922 thì xin từ chức vì có mâu thuẫn với viên thanh tra học chính của Pháp. Về làng Xứ Nhu làm thầy lang chữa bệnh cho dân đồng thời lao vào hoạt động cách mạng. Hồi đầu ông khởi xướng phong trào cải cách hủ tục ma chay, cưới xin rồi vận động dân làng đào giếng trong nhà để có nước sạch dùng hàng ngày, dệt khăn mặt để mỗi người trong gia đình đều có cái dùng riêng. Ông cũng viết báo về các vấn đề xã hội và tìm các bắt liên lạc với Phan Bội Châu đang bị giam lỏng tại Huế. Theo gợi ý của Phan Bội Châu ông lập Hội quốc dân dục tài đào tạo thanh niên nhưng không được thực dân Pháp cho phép. Sau đó lập ông đã lậpra hội Việt Nam dân quốc chủ trương sử dụng chủ yếu binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp (3).
Năm 1909, sau khi cả phong trào Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục bị tan vỡ, thực dân Pháp truy nã và bắt giam nhiều nhà chí sĩ, có cả Phan Bội Châu vàPhan Chu Trinh. Nguyễn Khắc Nhu trốn sang Trung Quốc, tham gia vào cuộc vận động cứu nước. Từ đó, ông chuyển dần xu hướng đấu tranh bất bạo động sang xu hướng bạo động. Năm 1927, ông về nước cùng với các đồng chí thành lập Hội Việt Nam dân Quốc, tổ chức nhiều cuộc tập kích một số đồn Pháp ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại... với ý định vũ trang khởi nghĩa. Năm 1928, ông sát nhập Hội Việt Nam dân Quốc vào Việt Nam Quốc dân đảng và ông được cử tham gia với vai trò là trưởng banLập phápcủa đảng. Năm 1929, sau vụ ám sát Bazin - một trùm mộ phu đồn điền Nam Kỳ, các cơ sở của Việt Nam Quốc dân đảng bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt, ông vàNguyễn Thái Họctrốn thoát rút lui vào hoạt động bí mật và bị "Hội đồng đề hình" kết án vắng mặt ông 10 năm cấm cố. Trước tình hình có khả năng tan vỡ, các lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng quyết định đẩy mạnh hoạt động vũ trang khởi nghĩa với phương châm "Không thành công thì thành nhân". Năm 1930, ông được giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa ởYên Bái,Phú Thọ,Sơn Tây. Do không chuẩn bị kỹ lưỡng, các lực lượng ở các nơi không cùng bộc phát một lúc, thực dân Pháp có điều kiện phòng ngừa, nên cuộc khởi nghĩa thất bại. Ngày 9 tháng 2 năm 1930, ông trực tiếp chỉ huy trận đánh tập kích đồn binh Hưng Hoá và phủ lịLâm Thao. Cuộc tập kích bất thành, bản thân ông bị trúng đạn nhưng vẫn tìm đường trốn thoát.
Giữ trọn khí tiết với non sông
Trận đánh đồn binh Hưng Hóa và phủ lị Lâm Thao bị thất bại, ông đã trúng đạn và cố gắng tìm đường trốn thoát, giữa đường ông dùng lựu đạn tự tử nhưng không chết và bị quân Pháp bắt được. Trên đường giải về trại giam, ông nhảy xuống sông tự trầm, nhưng lại bị quân Pháp vớt được và đem về giam ông tại Hưng Hóa. Tại đây, ngày 11 tháng 2 năm 1930, ông đập đầu vào tường giam tự tử để bảo toàn khí tiết, hưởng dương 49 tuổi. Ông còn là tác giả của một số bài thơ, bài báo vận động cải cách. Tên ông được dùng đặt cho một đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Đà Nẵng, An Giang, Yên Bái và một số thành phố khác của Việt Nam. Viện Sử học tổ chức hội thảo khoa học, ông được đánh giá, ghi nhận là nhân vật tiêu biểu của nước Việt Nam thời cận đại trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược.Danh nhân Nguyễn KhắcNhu đã được xây dựng tượng đài ở quê hương Song Khê.Ngày 06/11/2014 khởi công xây dựng tu bổ địa điểm lưu niệm nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu ở xã Song Khê, hoàn công ngày 26/12/2014, tổ chức lễ khánh thành ngày 11/01/2015.
Là nhà yêu nước, sinh ra trên quê hương Song Khê - vùng đất học nổi tiếng với nhiều nhân tài, đỗ đạt cao trong thời kỳ xã hội phong kiến, kế thừa truyền thống đó cùng với tấm lòng yêu nước, lo cho vận mệnh dân tộc, ông đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, khi bị rơi vào tay thực dân Pháp ông đã tìm đến cái chết để giữ tiết tháo, quyết không khuất phục kẻ thù xâm lược. Một ông đồ Hưng Hóa cảm phục cái chết vô cùng oanh liệt của ông đã lập bàn thờ với đôi câu đối chữ Hán, tạm dịch như sau:
“Vì dân quyên sinh, vì nước quyên sinh, vì đảng nghĩa quyên sinh, thề chẳng tham sinh cùng giặc nước.
Danh ông không chết, lòng ông không chết, tinh thần ông không chết, quyết đem cái chết giục đồng bào” (4).
Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm của ông thật xứng đáng được tôn vinh là danh nhân của dân tộc, một sĩ phu yêu nước có chí khí, tiết tháo, là nhân vật lịch sử đáng tự hào của quê hương Bắc Giang.
---------------------------------------------
1- Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang: Địa chí Bắc Giang từ điển, 2002, tr.498.
2- Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang: Địa chí Bắc Giang Lịch sử và Văn hóa, Sở Văn hóa thông tin Bắc Giang và Trung tâm unesco thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, tr.81.
3- Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang: Địa chí Bắc Giang từ điển, 2002, tr.498.
4- Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang: Địa chí Bắc Giang từ điển, 2002, tr.499.